Những người hát và tôi

Đề thi đại học Khối D 2012
Câu 2. (3,0 điểm)
Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa.
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.

Nguoi hat va toi

1. Mùa xuân, tôi vẫn nghe Hoa Xuân Ca của Trịnh Công Sơn. Năm nay tôi thấy mình đang nghe Khu Vườn Yên Tĩnh của Hồng Nhung: “… Kìa tháng giêng theo dòng nước xuân về hát khu vườn tôi” (Tiếng Nước Róc Rách, Dương Thụ).

Người hát này tôi vẫn dõi theo hơn hai chục năm nay, nghe hát và nghe cả những câu chuyện cuộc đời người ấy được kể rả rích trên những mặt báo. Vậy mà mãi đến Giọng Hát Việt 2013 tôi mới thấy cảm kích.

2. Tôi không đủ ngôn ngữ để nói về âm nhạc, không biết chơi nhạc cụ, chẳng biết hát, và trí nhớ âm nhạc của tôi khá tồi. Song tôi chưa bao giờ không cảm nhận được âm nhạc. Rộng rãi không phải là yêu thích tất cả mà có lẽ là để tâm, kiên nhẫn lắng nghe, ngắm nhìn những gì mình gặp. Đôi khi hệ quả của nó là tình yêu. Tôi chẳng thể nào biết trước khi nào mình sẽ thương mến.

Bạn có thể chê một nhà sản xuất hay một thầy dạy nhạc vì họ không đào tạo và cho ra những ca sỹ “tài năng” hay những sản phảm âm nhạc “chất lượng” như mong đợi. Bạn lên tiếng phê bình sự yếu kém của người làm nhạc, rồi của nền âm nhạc nước nhà. Còn tôi thì hết sức sốt ruột trước sự nhìn nhận ấy. Tôi chẳng định bênh vực gì về “tài năng” hay “chất lượng” âm nhạc, nhưng những nghệ sỹ ấy làm việc với nhau chẳng phải chỉ để chinh phục công chúng. Tôi thấy họ thương họ yêu nhau. Người này ủng hộ người kia ca hát vì sợ người kia không hát nữa sẽ buồn.

Có nhiều bài hát, phần trình diễn tôi không thích. Nhưng thử tưởng tượng xem, nếu chính mình và người thân của mình lên tiếng hát như vậy mà nhận phải những lời độc địa mình sẽ cảm thấy ra sao? Tôi không muốn nói rằng người ta không có quyền chê. Chỉ là: tại sao cùng “tài năng”, “chất lượng” như nhau, sao  lại đối xử khác nhau như thế? Hẳn là có hai góc nhìn khác nhau. Một góc nhìn qua lăng kính chuyên nghiệp theo đó người hát trước công chúng cần đạt một chuẩn mực nào đó. Một góc nhìn khác coi người hát là những con người bình thường. Tôi quan tâm tới ca sỹ như những người hát sống ở đời có sự dũng cảm để xuất hiện trước mọi người. Họ hát vì nhiều điều, trong đó chắc có sự yêu thích. Tôi chịu trách nhiệm về sự nghe nhìn của mình;  trong hầu hết các trường hợp tôi có thể không nghe, không xem nữa.

3. Thuở nhỏ, tôi chẳng có một cái đài hay một cái ti vi để mà nghe và xem nhạc. Đôi khi tôi tự hỏi không biết có phải có một thứ gien di truyền hay là một sự kế thừa văn hóa từ thế hệ trước hay không mà tôi lại yêu mến những người hát như thế. Ông tôi mê ca trù, và mê một nghệ sỹ ca trù, bà Phúc. Sau này khi lớn lên tôi mới biết bà là Nguyễn Thị Phúc, nghệ sỹ ưu tú. Mẹ tôi bảo bà Quách Thị Hồ thì hay, đẹp về kĩ thuật, nhưng nếu nói đến tâm hồn, tính cách thì bà Phúc hấp dẫn hơn, nên ông tôi mê. Bà hát ở đâu ông đi theo đấy. Tôi không được nghe bà hát nhiều (trên Zing chỉ tìm được bài Huê Tình), nhưng tôi tin điều mẹ nói. Nhớ lại một đôi lần gặp bà lúc nhỏ: Khi ấy bà đã ngoại 80, đang ở những năm cuối cùng của đời mình, giọng hát và cư xử vẫn tình. “Tình bằng có cái trống cơm…”, sự xuất hiện thoáng qua của một đứa trẻ con xa lạ như tôi cũng khiến bà lên tiếng hát. Người ấy tỏa ra một thứ phẩm giá không gợi sự cao ngạo, kiêu sa mà là sự bền bỉ, không khuất phuc. Mẹ nói bà mất trong nghèo khổ và cô đơn, như thể bà đã sống một cuộc đời tội nghiệp đến xót xa. Đến giờ thì tôi không dễ chấp nhận cách diễn giải như thế.

4. Mùa hè vừa rồi tôi về Việt Nam. Một người bạn rủ tôi đi xem Bài Hát Yêu Thích, một live show có những người hát thân quen. Tôi đã không đi được, cảm giác tiếc nuối như thể mình để lỡ cơ hội gặp những người bạn biết bấy lâu mà chưa từng đối diện. Như thể giữa các bạn ấy và tôi đã là sự thân thiết. Thực tế thì chẳng phải như  vậy. Chỉ có tôi ngắm nhìn và thấy người ta thân thuộc.  Sự trân trọng những người hát của tôi đôi khi thể hiện thành những bài viết đến được với họ. Họ có đọc, nhưng điều đó chẳng đủ để thiết lập một mối quan hệ hai chiều. Nhưng tôi vẫn nghĩ tình cảm mà khán giả dành cho ca sỹ  không phải chỉ là nét đẹp văn hóa hay là thảm họa, mà còn có thể là tình cảm cá nhân sâu đậm.

Leave a comment