Uyên Linh và những yếu tố thời đại

“Stories change form freely as they inhale the air of each new age.”

Murakami

Những ngày qua, Uyên Linh Idol đã được gọi là một “hiện tượng”. Lâu rồi người ta mới thấy một sức hút khán giả và giới truyền thông lớn như vậy. Em nhận được số phiếu bình chọn áp đảo và giành chiến thắng thuyết phục trong Vietnam Idol 2010. Trang dành cho người hâm mộ của Uyên Linh trên Facebook đã có tới trên 110 ngàn người yêu thích, nhiều hơn Facebook của bất kể người nổi tiếng nào ở Việt Nam. Những video clip về Uyên Linh trên YouTube cộng lại thì có nhiều triệu lượt xem. Ở một số thời điểm, clip của Uyên Linh còn đứng trong top ten những video được xem nhiều nhất trên YouTube.

Nhiều người đã tìm cách giải mã hiện tượng Uyên Linh. Người thì cho rằng mạng xã hội và những nhận xét ưu ái của ban giám khảo (BGK) đã tạo nên hiệu ứng đám đông. Người khác thì nhắc tới khả năng tạo cao trào của Uyên Linh từ lúc chọn bài hát cho đến khi kết thúc phần trình diễn. Nhiều khán giả hâm mộ chỉ khẳng định Uyên Linh là một tài năng sở hữu một giọng hát làm mê đắm lòng người.

Tôi thấy ở Uyên Linh những “yếu tố thời đại”, cái mà đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã nhấn mạnh trong clip phỏng vấn BGK trước Gala 9. Những thay đổi trong cảm nghĩ của xã hội trong những năm gần đây được nhìn thấy, nghe thấy, phản ánh trong sự đón nhận Uyên Linh. Chẳng phải là Uyên Linh có quyền năng làm thay đổi tư duy của xã hội, song những vận động này không hẳn là đã sẵn có, tình cờ tới Uyên Linh thì thể hiện ra. Người hát này cũng có đóng góp của mình, những đóng góp đáng quý, giúp cho người ta nghĩ khác đi và tin tưởng vào những điều tốt đẹp hơn.

Những bài hát được làm mới

Ở mức giản dị nhất, yếu tố thời đại của Uyên Linh có thể nhìn thấy ở việc em mang vào những bài hát cách đây có dăm mười năm thôi âm hưởng của cuộc sống mới. Giả dụ Uyên Linh chỉ hát toàn những bài mới thì chưa chắc đã gây ấn tượng nhiều như thế. Em làm mới những bài hát không quá cũ, khiến cho người ta cảm nhận được những đổi thay tinh tế đang diễn ra trong giới trẻ.

“Khát vọng” [1] của Thuận Yến do Thanh Lam trình bày là bài hát đã gắn với cảm xúc của cá nhân tôi một thời tuổi trẻ, day dứt, khắc khoải và bế tắc. Khi nghe Uyên Linh hát, tôi thấy một cảm xúc khác hẳn. Diễm Quỳnh nhận xét là “nó đặc biệt trẻ trung”. Siu Black cũng nhận xét là: “Em làm một bài hát mới hẳn mà chị nghe rất là dễ chịu. Rất là dễ chịu!”

Lựa chọn “Sao chẳng về với em” [2] ban đầu làm cho fan hâm mộ của Uyên Linh hết sức lo lắng. Họ tìm bài hát gốc nghe thử và thấy bài hát này khá là khó nghe, không dễ hấp dẫn khán giả. Sau khi Uyên Linh trình bày, trên Facebook của một người bạn tôi có để status như thế này: “Trên YAN có bạn nào nói Hồng Nhung hát bài này giống gái quê chờ chồng đi công tác xa… Bạn K chợt nghĩ thế thì UL hát giống gái fabulous nội tâm sâu hoắm ngồi chờ trai đẹp đi Vespa quá (dù bài này ẻm hát dở nhất trong ba bài).”

Nói như vậy hoàn toàn không phải là để phủ nhận Thanh Lam và Hồng Nhung. Hai chị ấy hát rất hay (cứ cho là hay hơn Uyên Linh đi), nhưng Uyên Linh đã có sự làm mới rất trí tuệ, không chỉ dừng lại ở việc làm bài hát nghe khác đi mà còn làm bài hát có hơi thở mới của xã hội hiện tại. Uyên Linh khiến người nghe muốn rèn rũa sự tinh tế của bản thân mình: “Ừ, nghe nó khác nhỉ, vậy là khác ở chỗ nào, tại sao lại như thế được?” Khán giả tìm về với những bài hát gốc để so sánh và phân biệt.

Uyên Linh còn mang yếu tố thời đại ở chỗ em có học thức và biết hát tiếng Anh. Không những biết hát tiếng Anh mà hát tiếng Anh còn là sở trường của em. Điều này khiến cho người ta mơ ước về khả năng hội nhập thị trường âm nhạc thế giới của Việt Nam. Mơ ước này có vẻ hơi xa, nhưng tôi không thích người ta gán cho nó sự lố bịch. Một thần tượng âm nhạc phải có khả năng gợi lên những ước mơ như thế. Có lẽ Uyên Linh thể hiện khả năng hát và trình diễn tiếng Anh nhiều nhất ở bài “Take me to the river”, Gala 9 [ 3]. Tôi nghe bản Uyên Linh hát thì thấy thích hơn những bản của các nam ca sỹ nổi tiếng thế giới khác hát. Nói một cách khiêm tốn thay cho Uyên Linh, để em ấy đỡ bị áp lực, thì có lẽ tại tôi là người Việt 🙂

Sự chuyển đổi mô thức cảm nhận âm nhạc

Trong Vietnam Idol, nhạc sỹ Quốc Trung nhắc đi nhắc lại quan niệm của anh: tiếng hát là một công cụ. Anh làm tôi liên tưởng tới sự chuyển đổi mô thức trong trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai (hay là một ngoại ngữ). Ngày xưa, người ta quan niệm học tiếng Anh là phải đạt tới “mastery”, nói và viết phải chuẩn. Tiếng Anh bây giờ là một thứ công cụ giao tiếp, không phải chỉ người bản ngữ mới có thể sở hữu nó. Điều quan trọng không phải là nói “chuẩn” mà nói theo một cách nào đó đem lại hiệu quả giao tiếp tốt nhất. Người ta hoàn toàn có thể không chuẩn mực mà vẫn đạt được hiệu quả giao tiếp. Thật ra công cụ và cái đích không tách rời nhau. Cái đích đạt được, ở đây là cảm nhận của người tham gia vào quá trình giao tiếp, cũng không hẳn là do cách sử dụng công cụ. Điều chúng ta có thể quan sát được là sự lùi lại của các chuẩn mực đã thiết lập sẵn và sự nâng niu những gì cụ thể đang diễn ra.

Nếu xét về thanh nhạc, Uyên Linh hát đôi chỗ bị lỗi, lên cao xuống thấp chưa tốt (như nhận xét của Thanh Lam), kỹ thuật lấy hơi chưa ổn. Giọng hát và tác phong trình diễn của em cũng không độc đáo đến mức chẳng giống ai. Những nhận xét kiểu như Uyên Linh hát hay hơn một ngôi sao đàn anh đàn chị nào đó tưởng như là hoang đường. Thế nhưng nếu thực sự lắng lại và cảm nhận âm nhạc không phải chỉ bằng thính giác và sự phân tích âm thanh mà còn bằng tình cảm và trải nghiệm của mình, người ta sẽ thấy có khi bài hát của Uyên Linh thể hiện gần gũi và cảm động hơn. Tôi còn nhớ một nhận xét của một bạn trên Facebook của Uyên Linh: “Hát phô lòi ra, nhưng mà thế mới thích!” Uyên Linh có lẽ cũng ý thức được điều này, nên khi phát biểu với báo chí đã nói rằng em ấy sẽ cố gắng học thanh nhạc, nhưng không phải là để hát cho có chuẩn mực, mà là để bảo vệ cổ họng của mình. Điều này không có nghĩa là Uyên Linh kém học hỏi, nếu hát phô mà dở, mà hỏng, em ấy vẫn cứ buồn. Trong clip phỏng vấn Uyên Linh sau khi hoàn thành Gala 2 với bài “Mùa đông sẽ qua”, Uyên Linh đã nói là cảm thấy mất bình tĩnh sau khi tự nghe thấy mình đã hát sai [4].

Khi các ngành nghệ thuật trong bối cảnh xã hội hậu hiện đại đang chuyển mình theo hướng cho phép nhiều người bình dân có nhiều cơ hội để thể tham gia vào hơn, “khuôn vàng thước ngọc” không phải lúc nào cũng nên đem ra áp dụng. Người ta chỉ dùng những thuật ngữ chuyên môn để chỉ ra lỗi khi một bài hát đem lại cảm giác “hỏng”. Còn nếu nó đã thu hút tình cảm của người nghe, liệu BGK có nhất thiết phải chỉ ra lỗi kĩ thuật?

Uyên Linh cũng là một hiện tượng cho thấy sự kết nối giữa người hát, cá tính của người đó, khán giả, và sân khấu. Như thể một hiện thực hiện lên trọn vẹn trong sự tương tác giữa các yếu tố.

Những clip phỏng vấn Uyên Linh bao giờ cũng có sự sẻ chia cảm nhận và suy nghĩ, có nhiều nội dung thông tin [5]. Uyên Linh biết chia sẻ khi nói chuyện với khán giả, không khách sáo, không chỉ chăm lo bảo vệ và tuyên truyền hình ảnh của bản thân. Xem qua các video clips, các bài Uyên Linh trả lời phỏng vấn, và những trao đổi của em trên Facebook dành cho người hâm mộ, tôi thấy Uyên Linh vừa nhõng nhẽo trẻ con lại vừa người lớn, vừa mạnh mẽ (có khi đến lấn át người khác) lại vừa đằm thắm, đàn bà (chữ dùng của Mai Hương khi nói về Uyên Linh), vừa thẳng thắn lại vừa khéo léo, vừa xuề xòa lại vừa kĩ tính, vừa ngông lại vừa biết mình, ham học hỏi. Uyên Linh không thuần dễ thương. Có những người không thích và có một hội anti fans rất bạo liệt. Và có rất nhiều người rất thích Uyên Linh, bởi em ấy cho thấy những khía cạnh khác nhau của con người và đem lại cảm giác con người hiện ra một cách chân thật. Nhiều khi vì thích cá tính của Uyên Linh mà muốn nghe em hát, để khám phá một phần con người ấy.

Có lẽ Uyên Linh là một ví dụ tiêu biểu cho tầm quan trọng của bối cảnh. Đạo diễn Quang Dũng từng nhận xét rằng nhìn Uyên Linh ngoài đời thì chả ai bảo là ca sỹ cả nhưng khi em ấy hát thì lại thành một ca sỹ rất tài năng và xinh đẹp. Trong đoạn chia sẻ với khán giả ở đêm thi chung kết, Uyên Linh tâm sự rằng từ bé đã xấu, như con trai, chơi trò công chúa hoàng hậu gì thì toàn phải đóng vai người hầu thôi. Vậy nên, hồi bé em ấy chỉ mơ ước xinh đẹp chứ chưa nghĩ đến chuyện làm ca sỹ. Thật ra em ấy đã tìm ra một cách để trở nên xinh đẹp: trở thành ca sỹ. Em ấy cần đến sân khấu, cần đến ban nhạc, cần đến khán giả, cần đến BGK, và cần đến cả Youtube và Facebook để tỏa sáng.

Tôi vẫn còn nhớ như in cảnh Uyên Linh tập luyện với Hồ Ngọc Hà để trình diễn bài “Lời của ánh mắt.” Hồ Ngọc Hà lộng lẫy như thiên nga, còn Uyên Linh, trong sự đối lập với Hồ Ngọc Hà, trông có vẻ giống một… con vịt con. Nhưng nếu có ai đó hỏi tôi là thấy em ấy xấu hay đẹp, lẽ dĩ nhiên tôi sẽ nói là “đẹp”. Khi hát, Uyên Linh rất đẹp (còn bình thường thì ngồ ngộ và dễ thương).

Theo lối suy nghĩ cũ, người ta sẽ đặt nặng yếu tố khái quát hóa, đòi rằng nhìn người một phát phải ra xinh ngay, phải ra tài ngay. Người ta sẽ nghĩ như Thanh Lam thế này: “Với những kinh nghiệm trong nghề, tôi vẫn chưa thấy được sự tinh nhanh đặc biệt ở Uyên Linh. Bởi vì tôi đã từng làm việc với rất nhiều bạn trẻ và những ai có tố chất thông minh, nhanh nhạy thì ngay từ lần làm việc đầu tiên là tôi đã có thể thấy được ngay.” [6] Đâu có dễ như thế! Để nhận ra xinh đẹp hay tài năng của mình cũng như của người khác nhiều khi là cả một hành trình khám phá. Uyên Linh từng tham gia một vài cuộc thi âm nhạc và thất bại, nhưng lại thành công rực rỡ ở Vietnam Idol. Sắc đẹp và tài năng không phải là cái tự nhiên nó có đấy, người ta phải đi tìm, gây dựng, trong chính bản thân mình cũng như là cần gặp đúng chỗ, đúng người, và đúng thời điểm.

Uyên Linh thể hiện ca khúc Cám ơn tình yêu trong Gala 9

Hình mẫu giới

Vietnam Idol còn góp phần làm nhòa một số “khuôn vàng thước ngọc” khác, như là các hình mẫu giới truyền thống. Ở Vietnam Idol 2010, người ta thấy nam giới thì yểu điệu mà nữ giới thì mạnh mẽ. Thật ra nam và nữ tách biệt quá cũng một phần do xã hội cứ dùng những cái khuôn để mà chia cắt. Tôi nhớ về những entry mình viết trên yahoo 360 khi mới du học ở Bỉ, về sự dịu dàng của những nam giáo sư. Một người bạn của tôi đã kể về một hình ảnh dễ thương khác mà bạn ấy tình cờ bắt gặp: một bạn nam trẻ tuổi ngồi đan len bên cửa sổ.

Đăng Khoa bẽn lẽn, ngay cả khi hát bài “Lột xác”, và bạn ấy có một lượng fan hâm mộ tuổi teen rất hùng hậu. Đức Anh thì mỗi lần chia tay lại khóc sướt mướt và chị Phương Thanh nhận xét em ấy “hát dễ thương như con gái”. Đăng Khoa và Đức Anh tuy chưa phải là những hình tượng thành công do còn thiếu một giọng hát thuyết phục, nhưng cũng đem đến những nét tươi mới.

Uyên Linh là một ca sỹ nữ mà có chất “men-lì”. Em để tóc kiểu “tomboy”. Bài “Take me to the river” vốn là bài của các nam ca sỹ. Tại Gala trao giải, Uyên Linh hôn tay Mỹ Linh như một “quý ông” ngưỡng mộ trước vẻ đẹp của nữ hoàng của lòng mình. Khi nói chuyện, Uyên Linh cũng có sự thẳng thắn dương tính. Theo chuẩn mực truyền thống, Uyên Linh không phải là người con gái đạt chữ “dung”. Có ai đó đã chấm điểm ngoại hình của em là 5, chê em thấp và gù. Giọng nói bình thường hàng ngày của Uyên Linh cũng bị chê là “kinh khủng”. Và Uyên Linh đã chinh phục được khán giả, như không hề có trở ngại gì.

Quy luật đạo đức

Vietnam Idol từng làm dấy lên những làn sóng bất bình nhưng cuối cùng Uyên Linh, một hình mẫu mang nhiều giá trị mới mẻ, lại là người góp phần khẳng định chiến thắng của một “quy luật đạo đức muôn đời.” Tôi dùng cụm từ “quy luật đạo đức” ở đây bởi nhớ đến một bài giảng đạo đức tôi từng được nghe. Vị giáo sư đặt ra một câu hỏi: “Nếu phân bố một cách hợp lý nhất thì những cây sáo tốt nhất sẽ phải về tay ai?” Nếu vào tay những người giàu có nhất thì là không hợp quy tắc đạo đức. Cây sáo, mục đích sinh ra của nó là để tạo ra giai điệu âm nhạc đẹp nhất, vậy nó sẽ cần đến được với những người chơi sáo tốt nhất. Đó cũng là một sự tưởng thưởng cho những phẩm chất quý báu của con người. Nghe cái từ “đạo đức” có vẻ to, nhưng tôi từng thấy một comment của một bạn trên Facebook của Uyên Linh, rằng sẽ bạn ấy sẽ nhắn tin, “vì lẽ phải”.

Tại một cuộc thi âm nhạc như Vietnam Idol, người chiến thắng phải là người có những tiết mục trình diễn chiếm được nhiều cảm tình nhất của khán giả, thể hiện ở số phiếu bầu. Rất may là cuộc thi đã kết thúc có hậu. Giải thưởng không rơi vào người giàu nhất hay người có ngoại hình hấp dẫn nhất. Để đạt được điều này, khán giả đã cần đến một sự đánh động đúng lúc. Đến Gala 6, Uyên Linh là thí sinh nhận số phiếu bình chọn thấp nhất. Điều này không phải là vấn đề nếu thực tế số fan hâm mộ của Uyên Linh là ít nhất. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Vào thời điểm đó Uyên Linh đã có một lượng lớn khán giả yêu thích. Có điều, nhiều người đã không nhắn tin. Lúc Uyên Linh rơi vào vòng nguy hiểm, khán giả mới hiểu rằng họ cần phải hành động. Tuy không thật sự tin tưởng vào tính dân chủ của quá trình bình chọn, vẫn còn nghi ngờ có kẻ này kẻ kia thao túng, nhưng khán giả cảm thấy mình có trách nhiệm và đã bỏ ra những nỗ lực đáng kể, sẵn sàng chống lại những kẻ thao túng nếu có, để bảo vệ những điều gì mình tin là đúng. Nếu nhìn một cách tiêu cực, thì khán giả bị câu vote. Nhưng nhìn một cách tích cực, đấy cũng là những tín hiệu thật sự đáng mừng của ý thức dân chủ trong một thời đại mới. Dâu Tây đã có một bài viết rất hay về vấn đề này trên blog của bạn ấy, với cái tên “Uyên Linh – Trên cả Idol” [7].

Hiện tượng Uyên Linh góp phần làm người ta hiểu rằng những “khuôn vàng thước ngọc” truyền thống cũng đã có một phần lỗi thời. Nó đòi hỏi người ta khắc phục sự cứng nhắc trong tư duy và nhìn nhận các vấn đề trong một mối quan hệ tương tác. Ngoài ra, hiện tượng này còn thúc đẩy ý thức dân chủ, khơi gợi niềm tin vào lẽ phải. Những yếu tố thời đại tốt đẹp ấy là những điều tôi vẫn thấy ở những nhóm nghệ sỹ đương đại có nguồn gốc Tây học. Họ vẫn đang hoạt động miệt mài, bền bỉ, không ầm ĩ, với những nhóm đối tượng nhỏ. Tôi đã không thể nghĩ rằng những yếu tố thời đại tốt đẹp ấy lại có thể đến từ một show truyền hình mang tính chất thương mại. Uyên Linh thật là một điều may mắn cho mọi người, và tôi rất biết ơn may mắn này.

Hiện tượng Uyên Linh cũng làm cho người ta thấy mặt trái của xã hội mà có lẽ tôi không cần phải nói nhiều vì nó hiển diện rất nhiều trên mặt báo, trong các comment của một số fan hâm mộ. Xã hội chả bao giờ là đơn giản, nhưng tôi cảm thấy hài lòng vì thực tế đã hiện ra với những khía cạnh gai góc của nó. Chỉ có điều tôi lo lắng. Chặng đường phía trước của Uyên Linh còn lắm chông gai. Hi vọng rằng tình cảm của những người hâm mộ dành cho Uyên Linh không phải một sớm một chiều và em ấy vẫn giữ vững bản lĩnh, sức khỏe để tiếp tục tạo ra những ảnh hưởng tốt.

******
Chú thích:

[1] Khát vọng – Uyên Linh (Gala 5): http://www.youtube.com/watch?v=em2JzWxUKno
& Khát vọng – Thanh Lam: http://www.youtube.com/watch?v=QkAm422JwMk

[2] Sao chẳng về với em – Hồng Nhung: http://nhac.zing.vn/nhac/bai-hat/nghe-nhac/Sao-Chang-Ve-Voi-Em-Hong-Nhung.IWZAA8BE.html (hát trong phòng thu)

& Sao chẳng về với em – Uyên Linh (Gala 9): http://www.youtube.com/watch?v=ISpEIQz6xpg (hát live)

[3] Take me to the river – Talking Heads: http://www.youtube.com/watch?v=anjT71N4PGM

Take me to the river – Uyên Linh (Gala9): http://www.youtube.com/watch?v=yxWnHwODDMQ

[4] Phỏng vấn Uyên Linh sau vòng Gala 2: http://www.youtube.com/watch?v=lm3aQFWWsY4

[5] Phỏng vấn Uyên Linh sau khi trình bày ca khúc Với anh: http://www.youtube.com/watch?v=SVeD3rZ0-R8

& Phỏng vấn Uyên Linh sau vòng Gala 1: http://www.youtube.com/watch?v=vOk_kxznYkE

[6] http://www.zing.vn/news/nhac-viet-nam/thanh-lam-chua-thay-su-tinh-nhanh-o-uyen-linh/a102712.html&h=5827d

[7] http://www.facebook.com/notes/mr-dau-tay/uyen-linh-hon-ca-idol/177878948903863

16 thoughts on “Uyên Linh và những yếu tố thời đại

  1. Thật tuyệt!!!
    Cả xã hội nói chung và những người quan tâm đến âm nhạc và UL nói riêng cần phải đọc bài này của anh!!
    Em sẽ giúp anh lan truyền trên FB!

    • Ôi, tác giả bài này không phải là một “Anh”. Chủ nhân của trang wordpress này là cô giáo Phùng Hà Thanh, giảng viên của trường đại học Ngoại ngữ- Đại học Quốc gia Hà Nội:)

  2. Không chỉ có “Khát vọng” hay “Sao chẳng về với em” mà còn những “60 năm cuộc đời”,”Vãn hát lời tình yêu”,”Trả nợ tình xa” nữa :). Khâm phục bài viết và người viết ra bài viết này !

  3. bài viết của bạn rất sâu sắc. Mình đọc mà “đã” quá, giữa ma trận tin vịt hiện nay, nó giúp ích và lên tinh thần cho các Friends của UL nhiều.
    Thanhks 🙂

  4. Thuận không biết tác giả đã bao nhiêu tuổi, nhưng Thuận biết chắc là lớn tuổi hơn mình. Thuận không biết giới tính gì, nên tạm gọi là tiền bối ^^. Thuận nghĩ, với bài viết này, chí ít, tiền bối cũng đã có khách quan khi đánh giá về bạn Uyên Linh. Ít nhất là không ép buộc bạn ấy vào 1 chuẩn mực nào đó. Thuận thì nghĩ thế này, chuẩn mực cũng mãi chỉ là chuẩn mực, bởi vì khi mọi người đều theo một chuẩn mực nhất định, rồi mọi thứ sẽ trở nên nhàm chán và vô vị. Lấy ví dụ về âm nhạc. Điển hình là việc các ca sĩ hát rất giỏi, nhưng lại không hay. Tại vì sao, vì đa số, theo Thuận nghĩ, họ đều ép mình vào những chuẩn mực sẵn có. Có thể lấy ví dụ là hát 1 bài hát là phải thế này, phải thế kia. Mặc dù, theo các nhà chuyên môn, họ đánh giá kỹ thuật của các ca sĩ này. Mà bản thân nghệ thuật không phải là khuôn mẫu, khuôn mẫu chỉ là do người đi trước đưa ra, và những người đi sau, không dám phá rào một cách tinh tế để không đi theo những lối mòn cũ kỹ. Còn các ca sĩ khác, đa phần là hát hay, nhưng không giỏi. Vì họ không theo những chuẩn mực sẵn có. Họ làm cho người nghe cảm thấy gần gũi và hài lòng với sản phẩm đó. Thế mới thấy, không có gì là hoàn hảo, bởi vì hoàn hảo thì rất nhàm chán.
    Nếu với lối tư duy đi theo những chuẩn mực đã đề ra, Thuận sẽ không thích Uyên Linh, chắc chắn thế. Nhưng nói thật là, theo quan điểm của bản thân, khi nghe một số bài hát của Uyên Linh hát lại, Thuận cảm nhận đó là cái gì đó rất thật trong bài hát, ít nhất là với bài Chỉ là giấc mơ. Thuận đã nghe Thanh Lam hát bài này. Cái Thuận cảm nhận được là chị ấy hát giỏi, ngoài ra không có cảm xúc gì với bài hát đó cả. Ngược lại, với bài hát của Uyên Linh, Thuận thấy đó là 1 bài hát có cảm xúc, có hồn, ít nhất là với Thuận.

  5. Kinh gui qui ONG, BA , CO ,BAC , ANH ,CHI , EM va cac CHAU !!!.

    HIEPxin gui loi kinh chuc QUI khan gia nhu HIEP duoc doi dao suc khoe that tot de co the theo doi mot quang duong dai ma UYEN LINHda chon!

    Nhan day HIEP muon gui loi chuc cho em ay luon luon la mot ngoi cong hien het minh vi nghe thuat,luon dem den cho khan gia nha minh mot tinh cam lang sau em nhe ! Lo ma em co bi nhuc dau , so mui cung nho tam su voi khan gia nhu chi nghe em! Chi khong tiec voi em loi dong vien , chia se dau em nhe! Chi luon co niem tin yeu rat lon khi biet em duoc moi nguoi quan tam den voi em mai mai .Co len em nhe!

    Chi thuong cung nhieu!!!

  6. Đọc bài này hay quá, hay đến nỗi làm tôi nghẹn cả hơi thở và nghẹn cả nhịp tim run ! Hình như tôi không biết nước mắt tôi đã chảy xuống má của mình tự bao giờ …. tôi khóc nhưng lòng tôi cảm thấy HẠNH PHÚC lắm … Tôi HẠNH PHÚC vì tôi biết còn có rất nhiều người yêu mến Uyên Linh và bên cạnh em ấy để bảo vệ em ấy như TÁC GIẢ, người đã viết nên bài viết này! Tôi thừa nhận một điều rất thật từ TRÁI TIM mình là tôi đã cầm điện thoại để nhắn tin cho em ấy sau đêm Gala 8 vá Gala 9, một việc làm mà tôi chưa từng làm trong cuộc đời 35 năm của mình! Tôi rất mong những ai có tấm lòng với giới trẻ hãy bỏ qua những định kiến của bản thân mình và hãy mở tấm lòng bao dung để giúp các em vượt qua khó khăn, khẳng định giá trị của các em trong thời đại mới,giúp các em có cơ hội vươn cao để TUỔI TRẺ VIỆT NAM ngày càng có vị trí tốt trong suy nghĩ của các nước trên Thế Giới! Lúc đó Việt Nam của chúng ta mới mong có lớp thế hệ con cháu không thua kém bạn bè năm châu!

  7. cô Phùng Thanh Hà viết bài này hay quá. Hay không phải vì những lời khen tặng dành cho cô idol mà hay vì cô đã suy nghĩ chín chắn và sâu sắc hơn xưa nhiều quá. Chúc mừng cô.

  8. Bài viết thật thấu tình đạt lý. Tôi mừng vì còn rất nhiều người biết lẽ phải, yêu những giá trị đích thực của cái đẹp. Tác giả đã giúp tôi lý giải chính cảm nhận của bản thân mình về Uyên Linh. Cô bé ấy thật tài như câu chuyện của cô bé lọ lem vậy. UL giúp tôi nhận ra được nhiều điều trong cuộc sống.khẳng định vẻ đẹp nội tâm có sức mạnh bền vững hơn vẻ đẹp ngoại hình, muốn được mọi người yêu quí thì phải sống chân thât. Tôi thực sự bị cô bé làm “điên đảo”. Công việc có bận đến mấy thì việc làm đầu tiên khi ngồi vào máy tính là tôi phải tìm đọc tin tức về Uyên Linh. Bất cứ có tin gì mới liên quan đến UL là tôi đọc “ngấu ngiến” . Ngay cả lúc này cũng thế, dù biết bao nhiêu công việc của một người công chức( GV) nhưng tôi vẫn ngồi viết- một việc làm tôi chưa từng thế bao giờ”. Có một điều tôi chưa lý giải được: tại sao tôi lại quan tâm yêu mến cô bé này đến thế!Tôi buồn và thương khi cô ấy chịu sự chỉ trích của dư luân, tôi vui khi cô ấy thanh công…tôi sung sướng và hạnh phúc khi đọc được những cảm nhận tích cực của ai đó về cô ấy(như tg trên)..Phải chăng cô bé này là một “nhân vật điển hình” về Chân – Thiện- Mỹ trong mỗi con người chúng ta, là “lẽ phải” mà chúng ta cần bảo vệ? Như một nhật vật cổ tích vậy. Thiết nghĩ cô ấy làm được rất nhiều điều có ích cho xã hội từ chính giọng hát của mình. ai cũng có thể học được chút gì từ cô ấy. Biết đâu nếu cô ấy là một nhà chính trị thì tầm ảnh hưởng của cô ấy chắc sẽ vô cùng to lớn…Tôi không biết nói gì đẻ diễn tả hết được những suy nghĩ của tôi về cô ấy!

    • Cảm ơn bạn đã chia sẻ. Những điều tốt đẹp từ cô bé này là có thật, chứ chẳng phải là “bong bóng” đâu, bạn nhỉ. Mình rất vui là entry này của mình có nhiều người đọc.

  9. Pingback: trẻ và còn sống – Hương

Leave a reply to vu thi thanh huong Cancel reply