Đau và không đau

Hai bạn chia tay. Thông tin ban đầu được chia sẻ trên Story của Facebook. Lần đầu tiên tin chia tay của một cặp đôi khiến mình lặng cả người và đau, vì chính sự tan vỡ của một mối quan hệ chứ không phải chỉ vì thương cho ai. Bởi vì bạn vẫn nói về bạn đời của bạn với một sự trìu mến, tha thiết, tin tưởng, và bởi vì đó là một thứ tình yêu không dễ gì có được trong xã hội này. Hôm nay, bạn đã lên bài trên Facebook và để chế độ hạn chế comment. Bài viết có những từ như “buồn thiu”, “nỗi đau chết đi sống lại.”

Với mình, có tình là như thế. Chia tay mà lại không đau thì…

~~~

Thắng Ngọt không biết đau. Có lẽ vì thế mà các bài hát của Thắng dễ thành một dạng an ủi cho những ai đang gặp lúc khó khăn (mình vẫn đọc thấy những chia sẻ của người nghe như thế). Chia tay cay đắng nhưng không đau. Buồn à, về sau có thể cười vào nỗi buồn. Hay như bài Nứt, về những vết nứt, vết thương, sự vỡ tan để thành ra mới mà không đau tí nào. Với mình, cái sự không đau ấy nó vừa giống như một thứ thiểu năng, vừa thuộc về một diễn ngôn/lối sống: nam giới kễnh, khinh suất và vô tình. Mà Decao làm mình rùng mình không phải vì đánh vợ mà vì viết ra một cái thư thanh minh thật vô tình.

Làm ra cái sự không đau như thế đúng là một hiện tượng đáng kể, có điều mình cũng chán nên không muốn viết một bài phân tích cho tường tận. Âm nhạc của Thắng Ngọt có một số diễn đạt nghe cũng thích, rất bắt tai, nhưng về đời sống thì không tinh tế, gây ức chế nhất là khi bây giờ mình không ngắt kết nối được giữa các bài hay ngắt kết nối giữa bài hát và những phát biểu trên truyền thông, những vụ việc đời tư. Cái ngông của tuổi trẻ, của nghệ sỹ cũng cần phải rất cẩn trọng để mà không thành lỗi nặng. Nhưng chắc rằng Thắng cũng chẳng quan tâm.

Thắng có bài “bé” là một bài nghe cũng dễ thương, nhưng nó không phải sự hạ mình trước những điều nhỏ bé. Bài hát được viết theo tư duy phân tích, là một kiểu an ủi vỗ về của người lớn dành cho trẻ nhỏ và chính mình. Người sáng tác đã không làm điều gì quá đáng, đã đúng mực và thiện chí.

Leave a comment