Hoa cỏ may

Đã từng có những lời khuyên của các nhà sư phạm nổi tiếng rằng đừng để trẻ con đọc tác phẩm hư cấu. Hư cấu (fiction) hay không hư cấu (non-fiction), làm sao phân biệt nổi! Nhưng có những tác phẩm dựa trên/tạo ra các huyễn tưởng (fantasy). Huyễn tưởng gắn với các vấn đề tâm lý, trật tự nam quyền, và nó cũng được dùng để chế tác ra hiện thực. Hôm nay, mình gặp một truyện ngắn dựa trên huyễn tưởng đàn ông già, nghèo, lãng mạn được yêu, hẳn nhiên là bởi một cô gái trẻ, gia đình khá giả, giỏi giang, chân tình. Đó là một kịch bản về sự vượt qua giới hạn vẫn gắn với tình yêu, nhưng nó là một huyễn tưởng củng cố trật tự thống trị. Nhận định như vậy có thể là khắt khe hay thiếu rộng lòng; nhưng mà cứ viết ra để đối diện với chính cách mà mình cảm nghĩ, có thiếu rộng lòng cũng chỉ đến vậy mà thôi.

Trong truyện có đoạn bình thơ “Hoa cỏ may” của Nguyễn Bính như này (xem bản gốc ở đây):
__________
Tình em như hoa cỏ may
Một chiều cả gió bám đầy áo anh

Ở phía dưới bài thơ có hai chữ chắc là của anh viết bằng bút chì “Tuyệt vời”
– Bài thơ thế này mà bác cũng bảo là tuyệt vời. Cháu chẳng thấy bài thơ này có gì hay cả.
Đang rót nước, anh dừng lại nghiêng nghiêng cái đầu nhìn tôi. Ánh mắt của anh như cười cười
– Bác hỏi cháu nhé. Nếu như về sau này cháu chẳng may gặp một hoạn nạn nào đó mà mọi người thân đã rời bỏ cháu. Cháu bị đổ vỡ không còn muốn sống nữa. Cháu ra cầu Long Biên định nhảy xuống sông tự tử thì có một người giữ cháu lại và bảo rằng “Đừng như thế! em còn có anh” thì cháu thấy thế nào?
– Ôi! – Tôi kêu lên – Làm sao cháu có thể được sống trong những phút thần thoại như thế!
Anh cười.
– Thế là cháu đã cảm thụ được bài thơ rồi đấy.
Tôi ngẩn người ra. Ừ nhỉ! Nếu đúng là như thế thì bài thơ thật là tuyệt vời.
– Tức là khi đọc một bài thơ mình phải tưởng tượng ra một điều gì đó hả bác?
Anh gật đầu. – Gần như là như thế. Có những câu thơ thoáng đọc, thấy nó rất bình thường nhưng nếu ta tìm ra một văn cảnh để minh họa được cho câu thơ ấy ta sẽ thấy câu thơ chợt bừng lên lung linh như một huyền thoại. –Tôi nhìn vào mắt anh, gương mặt anh bỗng như đang chìm đắm vào một chốn xa xăm nào đó. – cháu thấy không? Người ta thường ví tình yêu với hoa Hồng, một loại hoa vừa có hương, vừa có sắc. Chỉ riêng có Nguyễn Bính ví tình yêu với hoa cỏ may, một loài hoa không hương, không sắc và nhỏ bé. Nó như tình yêu kín đáo của cô gái Việt. Có thể chàng trai không nhận ra tình yêu ấy, Nhưng rồi một chiều cả gió, lúc cuộc đời chàng trai gặp hoạn nạn chàng mới nhận ra rằng mình đã và đang được sống trong một tình yêu. Đấy chính là tâm hồn Việt của những cô gái Việt đấy cháu ạ. Phương tây không thể có một tình yêu như thế.

__________

Sự xuất hiện của hoa cỏ may lần đầu trong thơ có thể đi với tên tuổi Nguyễn Bính, vì ông là một trong những nhà thơ mới từ thời kỳ đầu và gắn với thôn quê Việt Nam (bài Hoa cỏ may in trong tập Tâm hồn tôi, Nhà in Lê Cường, 1940). Nhưng ca dao cũng có hoa cỏ may; nó vẫn gắn với tình yêu và thân phận.

Em như hoa gạo trên cây
Anh như một đám cỏ may bên đường
Lạy trời cho cả gió sương
Hoa gạo rụng xuống, lại luồn cỏ may

Chim quyên dại lắm, không khôn
Sơn lâm không đậu, đậu cồn cỏ may

Cỏ may mọc ở sân rồng
Tuy rằng bóng bảy nhưng dòng cỏ may

Sau Nguyễn Bính, còn có Xuân Quỳnh

Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm đầy
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói,
Ai biết lòng anh có đổi thay?

Phạm Công Trứ có cả 3 tập thơ tên là “Lời thề cỏ may.”

Làm sao quên được tuổi thơ
Tuổi vàng, tuổi ngọc – tôi ngờ lời ai

Thuở ấy tôi mới lên mười
Còn em lên bảy, theo tôi cả ngày
Quần em dệt kín cỏ may
Áo tôi đứt cúc, mực dây tím bầm
Tuổi thơ chân đất đầu trần
Từ trong lấm láp em thầm lớn lên
Thế rồi xinh đẹp là em
Em ra tỉnh học em quên một người
Cái hôm nghỉ Tết vừa rồi
Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò
Gặp tôi, em hỏi hững hờ
“Anh chưa lấy vợ, còn chờ đợi ai?”
Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê

Trăng vàng đêm ấy, bờ đê
Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may…

(Báo Tiền phong, số ngày 19-4-1988)

Cỏ may trong ca dao gắn nhiều với thân phận; trong thơ sau này, nó ở trong một khung cảnh Việt Nam và là cách mà tình yêu (hay một cảm xúc khó tả) đến, cứ găm đầy, nhưng không chắc rằng ở lại. Hoa cỏ may không phải thứ tình yêu lặng thầm không hương không sắc của gái cứ ở đó mà đợi chờ một ngày được nhận ra. Thơ Nguyễn Bính khác, là “hồn anh” và “áo em.” Tác giả sửa cả thơ của người ta mà dựng ra một huyễn tưởng.

Hồn anh như hoa cỏ may
Một chiều cả gió bám đầy áo em

Mình không còn nhớ rõ nữa, nhưng có lần bạn nói về một bài thơ, cuối cùng có hình ảnh con rắn lột xác, là một sự việc diễn ra thật chứ không phải ẩn dụ chủ ý, sự kiện ấy đi vào bài thơ vì nó tương đồng với những gì mà người ta phải trải qua. Hoa cỏ may cũng thế, là một cái gì đó ở bên ngoài, thế mà sự găm vào của nó trong một chiều cả gió thật giống như cách tình yêu đến. Cỏ may, than ôi, lại là thứ người ta sẽ (phải) gỡ ra.

Leave a comment