Một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm

“Chia cho em một đời xanh
Một cây si với một cây bồ đề”

Mình trích như thế mà không đề tên tác giả, vì biết thơ không phải của Phú Quang, mà các trang đăng bài hát bây giờ thường chỉ đề tên nhạc sỹ. Mất một hồi mới lần ra “Một dại khờ, một tôi” phổ thơ Nguyễn Trọng Tạo, bài “Chia”. Khi đăng cái status đó, mình đã đưa câu thơ ra khỏi bài hát và bài thơ. Trong xã hội ngột ngạt vì ô nhiễm không khí này, “đời xanh” là thứ đáng mơ ước, là thứ mình đang mơ ước. Trong giấc mơ ấy, có hình bóng của một cái cây thật to và cao. Hôm ấy, mình tới nhà bạn, khu Ecopark có những cây bồ đề to cao rất đẹp. Cây bồ đề từ một biểu tượng cho tâm Phật trong hiện thực ngâm nga ấy đã trở thành cây bồ đề thật 🙂

Nhưng Chia là một trong những bài lục bát hay nhất của thi ca Việt Nam, nên post này xin trả lại câu thơ vào bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo.

chia cho em một đời tôi
một cay đắng
 một niềm vui
  một buồn
tôi còn cái xác không hồn
cái chai không rượu tôi còn vỏ chai

chia cho em một đời say
một cây si
       với
               một cây bồ đề
tôi còn đâu nữa đam mê
trời chang chang nắng tôi về héo khô

chia cho em một đời Thơ
một lênh đênh
       một dại khờ
               một tôi
chỉ còn cỏ mọc bên trời
một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm…

1989
(Trích trong tập Đồng dao cho người lớn, NXB Văn học-1994)

chỉ còn cỏ mọc bên trời
một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm…

Mình đã thấy hình ảnh của sự sống mong manh và cái chết, những hình ảnh từ một nấm mồ. Và mình đã đọc tín hiệu đúng. Sự rèn luyện để đọc đúng tín hiệu đến từ việc học văn chương ấy đã khiến mình “over-read” trong đời sống, đến là khốn khổ.

Bài thơ ghi lại một dấu mốc của cuộc đời, sự không còn trẻ nữa. Nó gợi nhớ những câu thơ của Trịnh Công Sơn (với giọng hát của Trần Thu Hà, “Lời thiên thu gọi” 1972 thật cảm động).

Về chân núi thăm nấm mồ
Giữa đường trưa có tôi bơ phờ
Chợt tôi thấy thiên thu là
Một đường không bến bờ

Ở Trịnh Công Sơn, niềm an ủi là một thiên thu không bến bờ, vừa bất ngờ và vừa hòa hợp với sự bơ phờ của con người. Tuổi không rõ ràng. Còn với Nguyễn Trọng Tạo, trần tục và giản dị hơn, trường liên tưởng ngắt ra thành từng đoạn với các biểu tượng khác nhau, đời cũng sống được phần nhiều để mà tổng kết thành “một đời”, đó [niềm an ủi] là “một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm,” không phải là mình mà cứ như thể là mình, tình yêu còn ở lại.

Bạn bảo mình còn nặng lòng với đời lắm. Nhưng đời cho mình cái gì để mình sống tiếp?
Mình mong một năm mới với những điều dịu dàng

NGUYỄN TRỌNG TẠO TRẢ LỜI THƯ THẦY GIÁO DẠY VĂN
Thư:
Kính mến gửi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo,

Em là Đặng Ngọc Hùng, một thầy giáo vô danh ở bậc cao đẳng, đang dạy một chương về thơ cho sinh viên văn.

Khi nói về khoảng trắng, khoảng lặng trong thơ, vùng thẩm mĩ kích thích sự liên tưởng trong thụ cảm, tự dưng em nghĩ đến bài “Chia” của anh từng được Phú Quang phổ nhạc với tựa đề “Một dại khờ, một tôi”.

Để bài giảng có giá trị, kính phiền anh, với tư cách là cha đẻ của kiệt tác “Chia”, gợi cho em đôi ý để em truyền giảng cho sinh viên, ngõ hầu tránh được nguy cơ tán phét vốn luôn tiềm ẩn trong nghề dạy văn chương do hình tượng văn chương thường đa nghĩa khôn cùng.

Nếu anh bận quá, thì thôi anh nhé.
Trân trọng!

Một đứa em ở Nam Trung bộ xa xôi


Trả lời:
Gửi anh Đặng Ngọc Hùng,

Tôi rất cảm động về tâm sự giảng văn của anh, trân trọng văn và trân trọng trò, khi anh hỏi về bài thơ CHIA của tôi.

Bài thơ CHIA có khá nhiều lời bình, nhưng có vài điều người ta chưa động đến, tôi xin nói thêm:

1. Bài thơ có 3 khổ (mỗi khổ 4 câu, lục bát), thì các câu thứ 2 của mỗi khổ thơ đều ngắt thành 3 dòng bậc thang. Ngắt bậc thang để nhấn nhịp, và tạo ra những khoảng lặng (khoảng trống cho cảm xúc và suy nghĩ), nó gia tăng tính khẳng định mạnh hơn là để một dòng. Đó cũng là nghệ thuật “cấu trúc điệp” (điệp nhạc – cách ngắt nhịp, cùng với điệp từ MỘT trong bài).

2. Hình ảnh CÂY SI và CÂY BỒ ĐỀ là cặp đối lập (nghĩa bóng) của “tham sân si” và “sắc sắc không không” trong tư tưởng nhà Phật. Hiểu đơn giản là si mê, si tình và sự tĩnh tại vô thường trong một con người (ma quỉ và Phật) đều chia cả cho EM (đối tượng).

3. Ít người hiểu hết câu kết “một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm”. Khi chết rồi mộ người cỏ mọc, nhưng linh hồn không mất, nó mọc thành bông hoa dại nhỏ (khiêm nhường) trong mưa buồn để dâng (chia) tiếp cho EM.

Tôi gửi thêm một số lời bình để anh Hùng tham khảo nhé. Cảm ơn anh đã hỏi, và chúc anh cùng gia đình hạnh phúc, an lành.

Nguyễn Trọng Tạo

Leave a comment