Lời nói

Thứ sáu hàng tuần tôi tham gia vào buổi thảo luận của nhóm Nghiên Cứu Phê Phán (Critical Studies). Tuần vừa rồi tôi là người chọn bài đọc, và tôi đã chọn một bài viết mà những người trong nhóm không thích. Một người nói với tôi: “Hẳn là bạn không thích bài báo này.” Người khác hỏi: “Tại sao lại chọn bài báo này?” Và một người nữa nói: “Bài báo này chán quá. Tôi chẳng buồn đọc hết.” Tôi đã nói rằng tôi chọn bài viết ấy vì nội dung của nó liên quan đến những thứ tôi đang nghiên cứu: giáo dục nghệ thuật và đạo đức. Dựa trên tư tưởng của Levinas và Blanchot, bài báo lập luận rằng giáo dục nghệ thuật có thể vượt qua tính “trang trí” và trở thành không gian để hình thành chủ thể đạo đức. Tôi không cho rằng đó là một bài viết xuất sắc. Thậm chí lập luận của nó không hề thuyết phục. Nhưng bài báo đã tóm tắt sáng rõ những suy nghĩ về nghệ thuật của Levinas và Blanchot. Nếu tôi tự mình đọc tác phẩm của Levinas và Blanchot hẳn là tôi phải mất tới một vài năm mới có thể tóm tắt được như thế. Tôi nói xong, nghĩ lại lời giải thích của mình và cảm thấy hổ thẹn. Tôi đã nói như thể tôi là một kẻ thực dụng chỉ quan tâm tới việc của mình và muốn làm việc cho nhanh chóng.

Thực ra thì không phải như thế! Tôi đã chọn bài báo vì tôi nghĩ rằng dù nó không xuất sắc nhưng những suy nghĩ về nghệ thuật của Levinas và Blanchot mà tác giả trình bày hết sức thú vị. Tác giả giúp tôi “tiết kiệm thời gian,” nhưng điều quan trọng là tôi trân trọng lao động của tác giả chứ không hẳn là sự hiểu và nghĩ nhanh của mình. Chắc chắn tôi sẽ tìm đọc tác phẩm gốc của Levinas và Blanchot. Tại sao tôi lại thốt ra những lời nói không thể hiện sự tốt đẹp của bài báo cũng như của chính tôi? Tôi không rõ nữa. Có thể tại tôi đang có một nỗi bực dọc riêng tư với những chuyện học thuật. Hoặc tôi cảm thấy áp lực trước sự “không thích” của mọi người. Cũng không nhất thiết phải suy nghĩ về nguyên do, nhưng tôi cứ áy náy mãi về lời mình đã nói. Tôi không có cơ hội để đính chính. Chúng tôi sẽ tiếp tục đọc những bài viết khác.

Nhiều người cho rằng nếu con người nói ra đúng những gì mình nghĩ thì sẽ nhiều điều xấu hơn điều tốt. Tôi không chắc vậy. Có thể người ta nghĩ nhiều điều tốt đẹp hơn là người ta nói ra.

2 thoughts on “Lời nói

  1. Với chị, câu nói của em chỉ thể hiện sự trân trọng của em với những gì mà tác giả bài báo đã làm. Nó không đi xa đến mức thể hiện em là kẻ thực dụng và chỉ quan tâm tới việc của mình và muốn làm việc cho nhanh chóng.

    Nếu có thể hiện gì đó về em thì đó là sự bao dung và cởi mở với các cách viết khác nhau và với những bài viết có độ “hấp dẫn” khác nhau.

    • Cảm ơn chị. Em không dựng lại chính xác những lời em đã nói, nhưng khi nói em đã không để tâm đến sự trân trọng bài viết, mọi người và chính bản thân em (mà em thực sự có). Em đã không nói với sự để tâm đó mà có lẽ nói từ một áp lực nào đó. Thời gian này em đang thấy stress trước yêu cầu phải đọc, viết nhanh để hoàn thành chương trình.

Leave a reply to Hanh Cancel reply