Đạp gió rẽ sóng

Cho tới thời điểm này, mình như muốn xóa đi những bài mình đã viết hơn chục năm trước về một số chương trình truyền hình thực tế (một số mùa của Vietnam Idol hay The Voice). Vào thời điểm chúng xuất hiện, chúng đã có tính chính trị: làm mới ý thức về cộng đồng, về ca hát. Thế nhưng, ở giai đoạn này, không còn chương trình nào có được sự cụ thể, tính chính trị ấy nữa; tất cả đều minh họa cho chủ nghĩa tiêu dùng.

Show đình đám nhất trong thời gian gần đây là Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng, đang diễn ra và minh họa cho nữ quyền tân tự do: Phô trương sự giàu có và nỗ lực rèn luyện để giữ gìn thanh xuân. Hi sinh cho nghệ thuật và thành công trong đời sống là gì? Là chịu mua một cái váy đắt tiền bị cắt đi hai bên làm chỗ luồn dây vào để dựng cảnh bay lên trong không trung cho MV. Là chịu mặc cái váy cồng kềnh và bất tiện đến nghẹt thở khi biểu diễn. Là có người yêu trai trẻ. v.v. Mình biết là những “chị đẹp” ấy đều tâm huyết với nghề và đáng trân trọng, song toàn thể chỉ phục vụ cái ý chán như thế này: Phô trương sự giàu có và nỗ lực rèn luyện để giữ gìn thanh xuân.

Sau đây là các thông điệp nữ quyền mà Hồng Nhung phát biểu:

“Bên cạnh đó, Hồng Nhung thích thông điệp mà chương trình mang lại. Theo cô, những người phụ nữ trên 30, đã có gia đình, con cái thường bỏ qua bản thân để lùi về phía sau lo cho gia đình. Họ quên mất sự lấp lánh của người phụ nữ. Chương trình này tạo cảm hứng cho người phụ nữ ở lứa tuổi này. Họ sẽ thấy rằng mình vẫn làm tốt công việc gia đình, nhưng cũng có thể tỏa hương, là một người phụ nữ đẹp, từ đó yêu mình, yêu gia đình hơn. Đây là thông điệp tích cực và cần thiết mà cô thấy mình nên góp mặt ở chương trình.”

“Tôi phải làm thế nào để không chỉ cho bản thân tôi, tôi muốn đem thông điệp đến cho những người phụ nữ khác ở tuổi 40, 50 bận rộn. Tôi nghĩ đến tuổi này thì họ có quyền vui và tôi sẽ đứng ra đấy làm cho họ vui. Dù tôi có nhảy cho nát chân, họ buồn cười thì cũng làm vui cho họ. Nhưng cái vui nhất là họ thấy bà Hồng Nhung nhỏ xíu này làm được những điều như thế thì mình cũng làm được để cho cuộc sống vui hơn, không nhàm chán”, giọng ca sinh năm 1970 chia sẻ.

Thật là chuẩn chỉnh! Có điều khó tính như mình thấy vui không dễ, nhảy múa mà chỉ mua vui thôi- ý là làm ra được thẩm mỹ vui- thì là tài năng. Ra được các thẩm mỹ khác nhau thì chương trình sẽ đủ phức để không phải chỉ là minh họa cho chủ nghĩa tân tự do. Còn vui mà lại chỉ là trình bày thông điệp cho người khác thì nhàm ấy. Tập 1 mới chỉ ra được màu của chủ nghĩa tân tự do.

Giữa “tình cảnh” này, những video Nguyễn Trần Trung Quân dạy thanh nhạc cho học trò thật đáng mến. Cái sự đanh đá rất là thời thượng đủ để hút khách, nhưng sức nặng lại là sự tận tâm của một người làm nghề, đi thẳng vào phát âm mà không thành tư duy âm nhạc đặt trọng kỹ thuật và vẻ trịch thượng của kẻ có học hành. Ngày trước, mình nghe mọi người bàn về các cuộc thi mà cứ nói về việc người hát và huấn luyện viên có trình độ thanh nhạc hay không, mình ngạc nhiên, bởi hát là vấn đề của thẩm mỹ. Kỹ thuật đẳng cấp tới đâu cũng không thể yêu thích nếu không hợp thẩm mỹ. Nhưng xem Quân dạy thanh nhạc thì thấy thú vị, hữu ích. Phân tích được cách nhả chữ thì sẽ thưởng thức được nhiều hơn.

Trở lại nữ quyền, ngoài kiểu Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng, giờ còn nổi trội môtíp sợ vợ, thể hiện ở thành công của các video quảng cáo của Võ Tòng đánh mèo, Gia đình Đức Thịnh và Thanh Thúy, Thầy giáo tí hon, v.v. Đây là các ví dụ về hậu nữ quyền hơn là nữ quyền.

Leave a comment