Huế thương

Hơn 20 năm trước tới Huế, mình chỉ cảm nhận được sự lững lờ của nó. Lúc đấy, người ta đã đẩy mạnh du lịch, nên có những yến tiệc cung đình, những đám rước linh đình. Festival Huế bắt đầu từ năm 2000. Vậy mình tới Huế vào năm 2002, chứ 2004 thì đã đi làm và vướng víu công việc. Mình thì nhớ những buổi chiều khi nắng đã dịu và phố xá vắng vẻ, những người bán hàng chậm rãi phục vụ những món ăn luôn kèm với rau sống, và những đầm sen.

Lần này tới Huế, ấn tượng đầu tiên là về quy hoạch của kinh thành. Cảnh quan của thành phố Huế đúng là …, biết dùng từ gì, “royal” hay là “đệ nhất”? Mọi thứ hòa hợp, tạo nên một sự “tuyệt đẹp.” Sông nước, đồi núi, rừng cây, ao hồ, vườn tược đã đành, sự hòa hợp Đông Tây trong kiến trúc của thành, của những cung điện như thế chắc không chỗ nào có được. Quy hoạch cho cả người âm và cho biểu tượng của quyền lực, Huế thâm trầm và uy nghiêm, nhưng mà “thương.” Có thể nói về những nét duyên, sự nhẹ nhàng trong kiến trúc miền Trung, nhưng làm nên “Huế thương” là hiện diện của con người, cách họ nói năng, những món ăn, và những điều trăn trở.

Nói chuyện với mẹ, mẹ bảo Huế “nghèo” và “con người dễ thương.” Huế giờ cũng không còn nghèo nữa, thế nhưng cũng có những vấn đề mà người dân Huế không thể ngó lơ. Trong sự tuyệt đẹp của cố đô là mùi hôi của cống rãnh, là sự rỗng tuếch của các hoạt động thương mại-tiêu dùng, là sự thiếu vắng những tiệm sách, là một cái hồ cạn nước v.v. Huế mong manh, vẫn là một đô thị của một nước đang phát triển. 

Không phải là một trung tâm sôi động của giới trí thức và nghệ sỹ, nhưng về Huế lần này trong bối cảnh của một hội thảo được tổ chức rất kỳ công và với bạn, mình gặp được những người thật là đáng kể, rất nhiều năm mới gặp được, cảm được một sự hội tụ.

Huế là một đồ hình cảm xúc rõ phức tạp. Trong văn chương, cố đô Kyoto và Nara của Nhật cũng xuất hiện với một mỹ cảm tinh tế. Nhưng chúng không gắn với “thương.” Cũng phải là Huế, là nơi chốn này, mới có được Trịnh Công Sơn.

Thừa Thiên Huế đang trở thành thành phố trực thuộc trung ương, phải quy hoạch lại theo chuẩn. Phải tính xem có bao nhiêu quận, huyện, thị xã, nhập cái này vào cái kia. Những cái tên thay đổi thôi cũng không dễ chịu. Những cái chuẩn đáng ghét vậy! Người ta dùng những từ ngữ như “chỉ đạo quyết liệt,” “đẩy nhanh tiến độ thực hiện,” “sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân,”… Đúng là cần những hoạt động làm chậm đi sự phát triển.

Leave a comment