Nhà nguyện tình yêu

Mình không hợp với không gian của các quán bar nhạc jazz. Chúng có mùi thuốc lá và rượu. Mình không thích cái sự hút thuốc, nó đầu độc không gian chung. Rượu thì không phải không thích, nhưng nó đem lại cảm giác bất an. Hồi ở Mỹ, sẵn trong một xã hội tiêu thụ có vô vàn loại rượu khác nhau và giá cả phải chăng, mình mua rượu về để pha chế, lần nào cũng chỉ nhẹ nhàng thôi. Thế nên một lần Z đã phải hỏi mình là nước chanh có rượu không (nhẹ tới mức người ta phải hỏi câu đấy). Sau khi mình bảo là có, bạn không uống nữa. Không phải Z không uống được rượu, cũng chẳng phải là theo tôn giáo gì, mình lờ mờ đoán rằng rượu đã gắn với cái chết của một người thân trong gia đình bạn ấy, có lẽ là em trai… Mình hoàn toàn không cần rượu, nhưng khi tới Brunei, nước đạo Hồi cấm đồ uống có cồn, mình đã kinh ngạc khi thấy bản thân thèm rượu. Một chút xíu suy đồi, tội lỗi của phương Tây? Chứ cái thứ uống rượu của Việt Nam gắn với những gã đàn ông gặm chén như trong Thoạt Kỳ Thủy của Nguyễn Bình Phương thì mình rất quen mà không thấy nó ăn gì vào mình.

… Và những bài hát, bao giờ cũng là những bài tình yêu tại đó người ta đang yêu nhau say đắm. Không gian như thế dễ làm mình đau tim. Những bài hát tình yêu ấy một phần từng gắn với thân phận của những người da màu ở Mỹ, những người từng bị treo lên cây như một thứ “strange fruit”, nhưng chúng không buồn như Trịnh ca, vẫn là về sự đang yêu nhau, ướt át hoặc rung động quá mạnh.

Có bị ăn vào người. Nhưng không gian ấy hơi phiền. Âm nhạc hay thì chắc thi thoảng vẫn mò tới. Nhạc sống mà như ở Bình Minh Jazz Club vẫn đem lại một năng lượng khác biệt. 

Mình thấy bản thân ở những phòng trà Trịnh. Ở đó, người ta trầm lắng hơn. Tình yêu là thứ tình đã “có vấn đề” rồi. Thất tình thách thức sự tồn tại của một người. Đứng trước nó lại cần bình lặng. Nhưng mình cũng chỉ nghe được một Diệu Thúy hát. Thiếu người đó thì chỉ là cuộc đi chơi cho biết. Trà Trịnh mà lại là Diệu Thúy hát thì rất trung niên. Gần đây, mình nghe Trịnh ca thì lấy thêm cả những nỗi thương đau của thịt xương tan nát.

Trịnh Công Sơn có lẽ nói đúng, những người yêu âm nhạc của ông nhất là người (sống ở) Hà Nội, thứ đến là Sài Gòn, rồi mới tới Huế. Chưa thống kê, nhưng trong cảm thức của mình, Hà Nội là chốn có nhiều quán Trịnh nhất. Nhà nguyện tình yêu chính thức ở Huế theo di nguyện của Trịnh Công Sơn mãi chưa có. Nhưng những không gian trà Trịnh rải rác đây đó đã có chức năng nhà nguyện tình yêu rồi, có điều chúng không chắc chắn, dễ mất vì phụ thuộc vào những ca sỹ có sự đồng điệu với Trịnh ca (chứ không phải là diễn đạt lại khác hẳn theo ý của bản thân). Mà làm sao có thể tránh khỏi sự phụ thuộc vào những con người cụ thể?

Leave a comment