Trước sau

Mình chia sẻ trên Facebook rằng mình dạy Toàn cầu hóa năm nay sẽ hay hơn năm trước, nhưng đấy là một phán đoán từ việc bản thân có thể nói về các vấn đề và hiện tượng của toàn cầu hóa tốt hơn, chứ mình thực sự khủng hoảng vì dạy môn này quá vất vả. Đặt để hết sức cầu kỳ để mọi người có thể nhìn thấy một bức tranh rộng lớn với những thứ kết nối vào nhau của chủ nghĩa tư bản; thế nhưng, cái mà người ta thấy thường vẫn chỉ là những lợi ích, kiểu như xem phim Đất rừng phương Nam của Nguyễn Quang Dũng – Trấn Thành cũng được, nhiễu chuyện làm gì, thậm chí cần ủng hộ nó vì những cái lợi xa hơn: xây dựng được tình yêu gia đình và quê hương, phát triển thị trường và làm sống tác phẩm văn học. Đó là một lối tư duy dựa trên lợi ích, còn có lợi ích thật không lại là chuyện khác.

Trẻ em xem Đất rừng phương Nam thấy thích, chúng chưa có ký ức và bộ phim này sẽ trở thành ký ức của chúng. Đừng nói là tụi nó sẽ đọc truyện; số đó ít thôi. Sẽ chẳng mấy ai nhớ về Việt Minh nữa. Phim truyền hình Đất phương Nam năm 1997 đã chuyển thời lịch sử, nhưng vẫn nhắc tới cha của An là cộng sản (từ dùng không phải là Việt Minh). Phim không tập trung vào người Hoa, không làm nổi bật lên cái sự “không phải là Việt Minh”, thậm chí với việc nhắc tới cha của An là cộng sản thì phim còn làm cho cộng sản bao phủ cả thời nó chưa ra đời. Tựu trung, phim không tạo ra ấn tượng về việc xóa ký ức, nhưng thực sự nó đã bắt đầu việc đó. Và vì đã có tiền lệ như thế, có những người thấy hợp lý và yên tâm khi chuyển thời lịch sử của tác phẩm Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi và cải biên xa hơn nữa.

Với nhiều người, sự phai mờ ký ức về Việt Minh không sao cả. Như thể đấy là điều tất yếu. Mình thì khác và mình không thể giải thích tường tận, chỉ ghi chú ở đây một vài điều liên quan mà mình chưa viết trên Facebook.

Có những người ủng hộ Trấn Thành, đánh giá cao Trấn Thành ở sự khai mở thị trường, có nhân vật như thế thì cũng tốt cho giới làm phim. Họ nghĩ rằng Trấn Thành đến rồi Trấn Thành đi, di sản Trấn Thành để lại là một thị trường phim. Xin thưa rằng nếu có đi thì cần phải nhờ vào nhiều vụ kinh doanh không nhiều lời lãi do gặp phải sự phản đối như lần này. Nếu Trấn Thành tích lũy tư bản tới một mức độ nào đó thì anh ta chẳng đi đâu cả, cứ ở đấy như một dạng độc quyền cản trở người khác. Ở thời này, với lịch sử của Việt Nam, vẫn còn nhiều người giàu lên bằng con đường tự thân, Trấn Thành là một ví dụ. Tuy nhiên, giai đoạn đó sắp kết thúc rồi. Thay vào đó sẽ là một trật tự giàu nghèo mà người nghèo khó “ngóc đầu lên” được. Sẽ là thảm cảnh giàu nghèo như được phản ánh trong phim Ký sinh trùng của Hàn Quốc. Những đứa trẻ đi xem phim Đất rừng phương Nam bây giờ thuộc về thế hệ ấy. Đó sẽ là một thế hệ không có ký ức hay xúc cảm đáng kể về những gì không phải là chủ nghĩa tư bản- như cuộc kháng chiến chống Pháp lãnh đạo bởi Việt Minh. À, thì có sao đâu, có tiền đi xem phim đấy ở rạp thì gia đình cũng phải trung lưu rồi. Bố mẹ tích lũy đủ tiền bạc thì cũng không phải lo nhiều. Đấy là sự ích kỷ; mình không tư duy về lợi ích thì mình thấy tự thân nó không ổn, và nếu chuyển sang tư duy về lợi ích, mình cũng thấy không có lợi ích gì cho số đông. Với sự phân hóa giàu nghèo ấy, tầng lớp trung lưu bị thu hẹp.

Nguồn: https://shorturl.at/vwJKL

Làm điều không đúng trước muôn người và giành “thắng lợi” thì còn có một loạt việc khác ghê gớm hơn. Ví dụ như việc lạm dụng bài thi IELTS. Vừa rồi trang IELTS của British Council Vietnam đăng thông tin UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thưởng cho các thí sinh điểm IELTS cao, trên 5 điểm đã được 5 triệu, một hình thức kích cầu rõ là sai trái (xem: https://shorturl.at/kmDG9).

Năm vừa rồi, theo báo chí, có nhiều thủ khoa không phải trường chuyên. Các bạn trường chuyên có một phần không nhỏ đi du học nên không quan tâm nhiều tới kỳ thi THPT, nhưng thành tích của các bạn không phải trường chuyên cũng là điều đáng mừng của hệ thống trường học ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều tốt đẹp này là thành quả của nhiều năm về trước. Những gì diễn ra trong giáo dục ở Việt Nam thời gian vừa rồi làm mình không khỏi xót xa. Những người làm giáo dục được kính trọng còn đang lên tiếng để xóa bỏ kỳ thi THPT, tức là xóa bỏ một hình thức hỗ trợ người nghèo, xóa bỏ dịch vụ thi cử chất lượng cao miễn phí/giá thành thấp của nhà nước cũng như con đường vào đại học của những học sinh ít giàu có hơn. Nghe bạn kể về sự phân hóa giàu nghèo ở trường công và trường tư ở bậc trung học cơ sở hiện giờ mà hết sức hãi hùng. Bạn nhắc đi nhắc lại: “Bây giờ chúng nó khổ thế!” và cứ so sánh là thời trước của mình thì sướng hơn.

Ở hội thảo về cải biên điện ảnh cuối tháng 10 năm ngoái, mình đã ngợi ca phim Marie Antoinette (2006), một bộ phim lẫn lộn thời lịch sử và bị phê bình là quá đương đại. Nó lẫn thời là bởi tình yêu, bởi người đời sau có thể thương mến người đời trước, có thể đặt để bản thân mình trong một tích xưa và viết lại nó. Bộ phim cũng là một sự tri ân của nước Mỹ với nước Pháp thời Marie Antoinette (đã ủng hộ cách mạng giành độc lập của Mỹ). Một hành động của tri ân và yêu thương rất khác với sự không biết trước biết sau, chỉ biết trương phồng lên của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản hủy diệt những gì đi trước và vô trách nhiệm với thế hệ con cháu về sau.

Leave a comment