Quê chị ở đâu?

Hà Nội là một trong những thành phố bẩn/ô nhiễm nhất trên thế giới. Người người vẫn về đây đi học đi làm. Hà Nội vì thế không phải chỉ là góc để chụp ảnh check-in, màn trình diễn để quay phim, chốn bán buôn hay nơi nghỉ dưỡng. Nó có một đời sống tự thân, một nét duyên và sự vị tha ngầm. Nhưng do quy hoạch đô thị và chăm sóc cư dân không tốt, việc tập hợp và điều phối nguồn lực để xây dựng cộng đồng quá đuối, Hà Nội rã rời và nhiễm độc. Đó là một nơi khó sống, với những loài tôm cá cũng như con người. 

Có người bảo Hà Nội mất ký ức, còn không có sức nặng lịch sử như Sài Gòn mới hơn 300 tuổi. Một ngàn năm, Hà Nội không quá lưu luyến những điều xưa cũ. Hồ Quý Ly rời đô về An Tôn, phủ Thanh Hóa. Triều Nguyễn đóng đô ở Huế. Người ta bảo cứ rời đô ra khỏi đất Thăng Long xưa thì kết cục là mất nước vào giặc ngoại xâm, nghe biết vậy thôi. Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa, cung điện và lăng tẩm ở Huế vẫn còn đó— những công trình kiến trúc đẹp nhất Việt Nam. Ở Hà Nội, các triều đại chôn vùi trong lòng đất.

“Làm gì mà xa xôi đến 200 năm, mà đâu chỉ Hà Nội, người Việt mình thế, cụ Trần Trọng Kim nói đúng cái xứ này ăn dễ kiếm, mặc cũng dễ mà ở cũng không cần cầu kỳ, dễ bỏ cái cũ thậm chí dễ bỏ luôn cả cái mới sắp đến. Điều đó buồn với mấy cụ đồ nho nhưng lại là điều kiện tốt để đi lên. Ở góc độ nào đó điều này rất tốt.” (Giang Phương).

Cũng có cái tốt, nhưng không biết Hà Nội sẽ “đi lên” đâu. Nó thật sự đang rã rời và nhiễm độc. Có một điều còn đáng quý: Hà Nội vẫn là đất học. Những ngôi trường khang trang hơn trước và có vẻ như vẫn đang cố gắng giữ nề nếp, dù là có thể là cái nề nếp mới của chủ nghĩa tân tự do. Hà Nội đang thiếu hụt trường công trầm trọng. Không biết đến bao giờ người dân sẽ phải chấp nhận trường học rã rời.

Tráng khí, hùng ca, lãng mạn, hào hoa, sang trọng và thanh lịch- không phải là Hà Nội mà mình biết. Cả “trà đá vỉa hè” hay “Hà Nội không vội được đâu” rất bình dân của ngày nay cũng điệu. Những nhân vật lớn của lịch sử đã sống trên đất Hà Nội mà mình thấy đời nhất và cũng lý tưởng nhất là dân gốc xứ Nghệ. Một phần lớn của Hà Nội không phải là Hà Nội. Có lẽ vì thế mà khó chấp nhận những định hình về Hà Nội có tính đóng. “Đào, phở, và piano” nghe cái tên thôi đã buồn cười rồi, dù là phim tìm về Hà Nội của 80 năm trước, một thời mình không biết.

Những ngày này mình muốn ra khỏi thành phố, không hẳn vì chán ghét cái gì mà vì cô đơn. Khi cô đơn, người ta cần phải đi để không tan chảy thành một vũng sầu, không để cho thịt da xương xẩu sụp thành cái xác chết. Mình bắt Grab ra nhà xe. Cái dịu dàng này thật bất ngờ: Những bạn nam chạy Grab nghĩ rằng mình là “chị gái một mình về quê xa.” Giọng nói và cử chỉ của họ rất ân cần:

– Sao về quê muộn vậy chị? Quê chị ở đâu?

Làm sao mình có thể trả lời cho đúng câu hỏi ấy! Nên mình đáp:

– Ở Lào Cai. Xe chạy lúc 11:30, sáng thì tới nơi.

Leave a comment