Buổi Chiếu Bóng Long Biên

LẦN 1: 11/12/2010

  • Thông tin về Buổi Chiếu Bóng Long Biên trên DOCLAB và Soi.

Phần 1

Để đến được với Buổi Chiếu Bóng Long Biên, tôi đã phải dùng đến Google Map, mặc áo mưa và đi dọc theo đường Hồng Hà. Đằng sau những mảnh gốm sứ sặc sỡ, Hồng Hà, con đường ấy mang một cái tên nghe oai hùng mà nhỏ, dài, tối, gập ghềnh, nhầy nhụa- lần đầu tiên tôi khám phá nó. Trên đường về, tôi cũng phải quanh quẩn một lúc mới thoát khỏi những khu phố cổ đan nhau của Hà Nội.

Tôi là người Hà Nội, sinh ra, lớn lên và bắt đầu già đi ở nơi đây đã 30 năm rồi. Tại sao tôi vẫn không rành nó? Hà Nội đã rộng quá. Thành phố không phát triển đổ về khu vực Long Biên, mà vươn ra phía Tây.

Chưa kịp gửi xe xong, cái sự kì lạ của không gian dành riêng cho buổi chiếu bóng đã vang lên với những bài hát của tầng lớp bình dân. Vào giữa sân, người ta thấy một bạn nam trẻ tuổi ăn mặc bụi phủi, quần đen, áo đen, tóc nhuộm, đứng hát bên một cái thùng Lucky Music cũng màu đen. Cái giọng ấy cũng có thể đi thi Vietnam Idol được, nhưng nội dung bài hát chẳng ăn nhập với những bức ảnh. Người đi xem chiếu bóng phải bịt tai, nhăn mặt để tập trung vào những bức ảnh chiếu trên các màn hình lớn. Ba màn hình đặt ở bên phải, một màn hình đặt ở bên trái, ở chính diện là một màn hình dành để chiếu phim. Nhìn về phía tòa nhà của Trung Tâm Thể Dục Thể Thao Phúc Tân thấy một loạt máy tính Apple sáng rực. Trong đám đông đi xem chiếu bóng, có một anh bán kẹo kéo. Kẹo kéo ra, có thêm nhân lạc ở trong, không giống cái thứ kẹo kéo ngày xưa.

Phần 2

Đây là lần đầu tiên tôi xem các tác phẩm nhiếp ảnh ở dưới dạng chiếu bóng. Các bức ảnh xuất hiện luân chuyển nhau làm cho người ta thấy thời gian vừa chậm, vừa nhanh. Chậm là vì ảnh chuyển lâu hơn so với các khuôn hình của phim, khiến cho mình muốn tìm hiểu thật kĩ. Nhanh là vì có khi chưa kịp lưu lại bức ảnh trong trí nhớ đã thấy chuyển sang những tấm hình khác.

Các tác giả đã up ảnh lên You Tube để khán giả có thể xem lại:  Boris ZulianiTrần Xiu Thúy KhanhJamie Maxtone Graham, Barnaby Churchill Steele (Phần 1, Phần 2, và Phần 3).

Tôi chẳng đủ hiểu biết để có thể nhận xét các tác phẩm từ góc độ kĩ thuật, nhưng vẫn chăm chú ngắm nhìn, cố gắng bắt lấy những “điều gì đó”. Ở bên trái, chùm tác phẩm của Boris Zuliani là hình ảnh các đôi trên cầu Long Biên. Các dáng người, mà rõ nhất là những đôi chân, những cánh tay sáng lên trong bóng tối. Ở bên phải, chùm ảnh của Trần Xiu Thúy Khanh cho tôi cảm nhận về những sự chia cắt, bỏ hoang, thiếu hụt, mong manh mà lại đầy thanh bình, điềm tĩnh, lãng mạn và sức sống. Ở trung tâm là các tác phẩm của Jamie Maxtone Graham. Tôi đã từng nhiều lần xem ảnh của anh.

Lần đầu tiên tôi lướt qua những bức ảnh của Jamie trong Flicker của anh. Tôi đã cảm thấy khá là khó chịu. Có lẽ tôi hơi nhạy cảm về quyền lực, nên tôi thấy những người dân hiện ra cứ như dân chúng lầm than thời thuộc địa. Sao lại nhìn chúng tôi với con mắt thực dân như thế? Tôi đã chán những bức ảnh chụp dân nghèo. Họ ở đầy đường ra đấy, cần gì phải xem ảnh.

Lần thứ hai, tôi phải giật mình. Dường như nhiếp ảnh gia có sự đồng ý của người mẫu, và họ đứng tạo kiểu cứ như thể trong studio vậy. Ánh mắt của họ nhìn thẳng vào máy ảnh, vào người chụp ảnh và người xem ảnh. Hiền hòa. Không gian đường phố biến thành studio. Mà Jamie không để cho các bức ảnh tĩnh và chỉn chu như chụp trong studio. Nhìn ảnh của anh, người ta phải mỉm cười trước sự hài hước của tác giả. Jamie để trong ảnh của mình những 1/5 người, cái tay vung qua, hay là những dáng pose lấp ló đằng sau người mẫu chính. Thế là ảnh vừa tĩnh, mà vừa động. Chụp ảnh với những ý tưởng nghệ thuật rõ ràng, nhưng tác giả cũng không bỏ lỡ “sự xuất hiện hoàn toàn bất ngờ trước ống kính”.

Những bức ảnh được chụp với sự đồng ý của người mẫu, nên gắn với biết bao chuyến đến thăm và trò chuyện. Đáng ngưỡng mộ là nhiếp ảnh gia và người dân địa phương có khoảng cách về văn hóa.

Cả cái chất ảnh thời  thực dân Pháp ấy cũng nằm trong ý đồ của tác giả. Nó có tác dụng mở ra thời gian. Long Biên là một địa danh lịch sử.

Jamie đã tạo ra một mạng lưới các mối tương tác với những bức ảnh của mình. Đó là quan hệ giữa các không gian khác nhau của nhiếp ảnh: studio và đường phố. Đó là quan hệ giữa các thời gian khác nhau: thời Pháp thuộc và hiện tại. Đó là quan hệ giữa người và người trong đời sống hàng ngày: người chụp ảnh và người mẫu ảnh, thuộc hai nền văn hóa khác nhau, đối diện nhau ở Long Biên.  Đó là quan hệ giữa tác giả và và tác phẩm của mình…

Nếu đọc phần tác giả diễn giải ý tưởng trong chùm ảnh về Long Biên đăng trên Burn Magazine thì người ta còn thấy sự tương tác giữa ngôn ngữ hình ảnh và văn bản chữ viết.

Màn hình dành cho các tác phẩm của Barnaby Churchill Steele đối diện với màn hình của Jamie. Một thanh chắn dùng để dựng màn chiếu chạy ở giữa, cắt màn hình thành hai mảng. Tuy nhiên sự chia cắt này không ảnh hưởng gì đến quá trình thưởng thức ảnh. Người ta phải khám phá những bức ảnh tầm rộng của Barnaby từng chút một. Barnaby làm cho tôi thấy con người bị ngợp trong một thứ không gian thật bộn bề.

Phần 3

Giờ chiếu phim đã đến khi nhiều người còn chưa kịp xem hết những bức ảnh vì còn mải trò chuyện với người bạn cũ tình cờ gặp lại nào đó. Trẻ con chạy đầy sân. Bình thường mình xem phim đâu có phải đứng và chịu cảnh nhốn nháo thế này! Cái cách xem phim này khiến người ta phải nghĩ: “Ngày xưa, người ta xem phim như thế nào nhỉ?”

Nghĩ tới ngày xưa, ấy là vì “chiếu bóng” là một từ gợi nhắc buổi ban đầu của ngành điện ảnh ở Việt Nam:  “Những năm trước 1930, mỗi rạp chỉ lắp đặt một máy chiếu phim. Khi hết một cuộn phim thì các đèn trong rạp bật sáng và người thợ máy thay cuộn phim mới để chiếu tiếp. Màn ảnh được làm bằng những mảnh vải trắng may lại, xung quanh viền vải xanh thẫm hoặc đen. Khán giả ngồi trên những ghế tựa hoặc ghế băng có dựa lưng bằng gỗ. Sàn phòng chiếu bằng phẳng và màn hình được đặt trên phía cao khiến khán giả bị mỏi cổ khi xem phim. Một vài rạp không có ghế ngồi.”

Mà những thước phim đầu tiên về Việt Nam lại chính là phim tài liệu: “Những phim đầu tiên được sản xuất ở Việt Nam là do người Pháp thực hiện. Sớm nhất là những đoạn phim được quay để sử dụng trong những cuốn phim giới thiệu sinh hoạt ở các thuộc địa Pháp do hãng Pathé phát hành ngay từ năm 1897.”

Những bộ phim chiếu hôm nay khác ngày xưa thế nào? Và sinh hoạt ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nó khác xưa thế nào?

Cái dàn máy tính Apple sáng rực kia, những chiếc máy chiếu, tòa nhà Trung Tâm Thể Dục Thể Thao Quận Hoàn Kiếm, anh chàng hát rong và người bán kẹo kéo… Chẳng có gì là thừa trong tác phẩm sắp đặt này. Tất cả, một cách từ từ, khiến người ta ý thức sâu sắc về bối cảnh lịch sử xã hội của bản thân mình.

Phần 4

Tôi còn nhiều điều nghĩ riêng cho mình nữa, nhưng khó có thể chia sẻ. Có những tác phẩm nghệ thuật làm khán giả chìm đắm, đánh thức những thứ tình cảm thẳm sâu nào đó khiến người ta trở nên đa cảm, chan chứa, chẳng hiểu vì lẽ gì. Nhưng cũng có những tác phẩm nghệ thuật khiến con người phải trở nên tỉnh táo khác thường để nhận ra vị trí của mình trong bối cảnh xã hội, trong dòng chảy của thời gian, sự đóng khung và mở ra của không gian. Và người ta có thể tỉnh táo ở cái mức phát khóc.

Jamie chia sẻ: “Một số người sống cả cuộc đời nơi đây nhưng cũng có những người muốn bỏ nơi này đi nơi khác.”

Với Buổi Chiếu Bóng Long Biên, khán giả không chỉ “nhìn thấy” tác phẩm, mà còn”nhìn với” tác phẩm.

==========

LẦN 2: 23/1/2011-29/1/2011

Buổi Chiếu Bóng Long Biên được đem tới một không gian khác là Viện Goethe. Thông tin về triển lãm nhiều hơn trên các báo chí. Tôi chẳng thể đi được, nên nghĩ về nó với một sự tưởng tượng. Tưởng tượng rằng mình đến Buổi Chiếu Bóng Long Biên ở Viện Goethe, cảm giác có gì khác đi?

Có chứ, chắc chắn là khác chứ.

5 thoughts on “Buổi Chiếu Bóng Long Biên

  1. Pingback: Suy nghĩ về buổi Chiếu Bóng Long Biên | Hà Nội DOCLAB

  2. dù sao cũng rất cảm ơn, tôi ở Sài Gòn, không thể đến dự buổi chiếu bóng này. qua bài viết của anh [hoặc chị – xin lỗi tôi khó lòng xác định được giới tính qua tên tác giả], tôi học được nhiều điều tinh tế.

    linh thảo.

Leave a comment